GBS hoàn thành xuất sắc đợt nghỉ mát hè 2009

GBS hoàn thành xuất sắc đợt nghỉ mát hè 2009

Từ sáng sớm, tất cả đoàn chúng tôi người già có, trẻ em có, trung niên có nhưng có lẽ lực lượng hùng hậu nhất vẫn là thanh niên đã có mặt tại công ty để chuẩn bị cho chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm về với Biển mang tên: “Vân Đồn – Bái Tử Long – Quan Lạn”…

Hình 1: Vịnh Bái Tử Long

       Đã như thường lệ, cứ đến tháng 7 hàng năm, công ty chúng tôi lại tổ chức cho cán bộ nhân viên và gia đình đi du lịch hè. Không chỉ có nhân viên trong công ty mà có lẽ háo hức nhất vẫn là những đứa trẻ, chúng mong chờ ngày này để có thể được đi chơi cùng bố mẹ chúng, gặp gỡ những đứa bạn cùng trang lứa mà chỉ một năm một lần chúng mới được gặp nhau. Một chuyến đi ngắn ngày, nghỉ ngơi thư giãn sau một năm làm việc vất vả nhưng hơn ai hết là người trong cuộc, chúng tôi hiểu rằng nó giống như một sợi dây vô hình, gắn kết mọi người lại với nhau. Nếu như ngày thường họ nói chuyện với nhau về công việc thì lúc đó họ biết chia sẻ hơn về cuộc sống gia đình, về những trải nghiệm và để nhận nhiều hơn những sự đồng cảm về cuộc song

Hình 2: Huyện đảo Vân Đồn

Biển luôn có một sức hút lạ kỳ đối với bất kỳ một ai không sinh ra và lớn lên từ Biển. Có lẽ vì thế mà điểm đến lần này của chúng tôi lại là biển. Vịnh Bái Tử Long – Huyện đảo Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh mới chỉ biết đến như một khu du lịch biển từ hai, ba năm trở lại đây, phải chăng vì thế mà vẻ đẹp hoang sơ của nó luôn thôi thúc những người yêu biển được đặt chân đến và chiêm ngưỡng nó.

Dẫu đã có dịp đến vịnh Hạ Long với hơn một ngàn đảo đá thiên hình vạn trạng nhưng tất cả chúng tôi đều không khỏi ngỡ ngàng khi đến với Vịnh Bái Tử Long. Nếu coi vịnh Hạ Long như một cô gái đẹp rực rỡ, thì vịnh Bái Tử Long lại như một cô gái đằm thắm, nền nã và có duyên thầm. Nằm ở vùng Ðông Bắc, cách thủ đô Hà Nội gần 200 km, vịnh Bái Tử Long cùng với Hạ Long trở thành một trong những kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Nơi đây còn in dấu nền văn hóa Hạ Long từ hàng nghìn năm trước và cũng còn lưu giữ khá vẹn nguyên nét tinh khôi của một quần đảo thủa hồng hoang.

Sự tích kể rằng: Khi xưa người Việt mới lập nước đã bị giặc ngoại xâm. Ngọc Hoàng sai Rồng mẹ mang theo một đàn Rồng con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ, vừa lúc đàn Rồng tới hạ giới. Ðàn Rồng lập tức phun vô số châu ngọc và thoắt biến thành muôn ngàn đảo đá trên biển, tạo nên bức tường thành vững chắc, bất ngờ chặn bước tiến của thuyền giặc. Ðoàn thuyền giặc đang lao nhanh, bị chặn đột ngột đã đâm vào các đảo đá hoặc đâm vào nhau vỡ tan tành.

Sau khi giặc tan, Rồng mẹ và Rồng con không trở về trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra trận chiến. Vị trí Rồng mẹ xuống là Hạ Long, Rồng con xuống là Bái Tử Long. Ðuôi đàn rồng quẫy nước trắng xóa là Long Vĩ (bán đảo Trà Cổ ngày nay) với bãi cát mịn và dài hơn chục cây số.

Hình 3: Vịnh Bái Tử Long

    Cả đoàn chúng tôi, chưa một ai từng đến Bái Tử Long – Vân Đồn – Quan lạn, vì thế mà mọi người thật sự háo hức và có mặt từ sớm để lên đường. Chuyến đi của chúng tôi trễ 1h so với dự định vì một lý do khá “hợp lý” rằng tổ điều hành xe báo nhầm điểm đón cho lái xe, thế nên lái xe sau một giờ lòng vòng quanh thành phố mới đến được chỗ hẹn. Nhưng dù sao, điều này cũng không làm cho chuyến đi trở nên bớt vui hơn vì ban tổ chức của công ty đã có một sự chuẩn bị kỹ càng, những món quà thú vị và những trò chơi thật sự bất ngờ

Để làm cho không khí của chuyến đi thêm phần vui vẻ, chúng tôi đã lập ra một ban tổ chức với mục đích đưa ra các ý tưởng và chuẩn bị cho các chương trình trong chuyến đi. Chỉ với 2 ngày hội ý và chuẩn bị, mọi thứ đã đâu vào đấy. Trẻ con luôn là tâm điểm của những sự hài hước, ngộ nghĩnh và đáng yêu. Chính vì thế mà ngay trong hành trình của chuyến đi tới Vân Đồn, chúng tôi luôn tạo ra những không khí vui vẻ trên xe như thi hát, thi đố vui cho trẻ con và tất nhiên những phần quà hấp dẫn luôn là động lực để bọn trẻ có thể tham gia hết mình. Một phần 3 của ý tưởng đã diễn ra thành công tốt đẹp

  Nếu chỉ hòa mình vào dòng nước biển, vẫy sóng, nhặt những con ốc dạt vào bờ biển hay đơn giản chỉ ngồi ngắm cảnh biển thì thật buồn tẻ. Ban tổ chức chúng tôi đã chuẩn bị sẵn những vật dụng cần thiết cho những trò chơi trên biển như kéo co, đá bóng, nhảy lò cò buộc dây..

Cả thế hệ 7x, 8x và 9x đều rất nhiệt tình tham gia…cuối cùng thì giải thưởng cũng rất bất ngờ nhé, toàn bánh và kẹo. Ban tổ chức đã nghĩ ra món quà hết sức hợp lý phải không, rõ ràng là đá bóng xong thì ai chẳng mệt và đói…

Kết thúc một ngày nghỉ, chúng tôi phấn chấn chờ đón bữa cơm tối đầu tiên tại Vân Đồn. Một không gian rộng sát bờ biển là nơi mà chúng tôi lựa chọn cho bữa tối.Đến với biển thì hải sản là những món ăn không thể thiếu trong các bữa ăn. Hầu hết những món ăn đều được làm từ Hải Sản như: Hà đúc trứng, tôm nướng, mực xáo cần tỏi, canh ngao, cơ mai chiên, nanh xào…và thậm chí là những món ăn cũng hết sức bình dị như canh cua cà..

      Trong chuyến đi lần này, rất nhiều thanh niên dẫn theo người yêu để ra mắt. Thế nên, ban tổ chức đã quyết định dành trọn một buổi tối ngày đầu tiên để các đôi được tự do vui chơi và để giữ sức cho chuyến đi thăm đảo Quan Lạn sáng ngày thứ 2.

Trong lịch trình của chuyến du lịch lần này, cả đoàn sẽ được thăm quan đảo Quan Lạn thuộc huyện đảo  Vân Đồn. Quan Lạn cách TP Hạ Long khoảng 50 km đường biển, nếu đi bằng tàu du lịch, hành trình mất khoảng 3 giờ. Nơi đây hội đủ các yếu của một địa chỉ du lịch lý tưởng: biển, rừng, kiến trúc, văn hóa… Tuyệt vời hơn, Quan Lạn còn rất hoang sơ dù cái tên của nó không còn xa lạ nữa. Người ta nói Quan Lạn giống nàng công chúa đang chờ nụ hôn của một hoàng tử thật chẳng sai. Bãi biển Quan Lạn có lẽ đẹp hơn bất cứ bãi biển nào trên đất nước Việt Nam, dài và thoải, thẳng tắp, cát thì mịn và chặt đáng kinh ngạc. Đảo Quan Lạn rộng 11 km vuông, trong vịnh Bái Tử Long và từng là một thương cảng từ thế kỷ 11. Ở Quan Lạn còn nhiều công trình văn hóa, nổi bật là đình Quan Lạn xây dựng từ thế kỷ 18 theo phong cách kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ, cửa hướng về đất liền. Cạnh đình là chùa Quan Lạn, thờ Phật và bà chúa Liễu Hạnh. Quan Lạn còn nổi tiếng với nghề đào sá sùng, một loài nhuyễn thể quý để ăn hoặc làm thuốc. Trên đảo có khoảng 400 hecta bãi lầy có thể đào sá sùng, đi xem đào sá sùng là điều được nhiều người thích thú.

 

            Thế nhưng, kế hoạch đi Quan Lạn của đoàn chúng tôi gần như bị dập tắt vì thông báo có bão. Người thân ở nhà liên tục gọi điện thông báo rằng có bão và tâm bão mạnh nhất là ở Quảng Ninh, vùng biển nơi chúng tôi đang ở. Mọi người thì rất chờ đợi chuyến đi còn ban tổ chức chúng tôi thì thật sự lo lắng. Mọi kế hoạch chúng tôi đề ra sẽ không thể thực hiện và thật đáng tiếc nếu chúng tôi không thể đi thăm quan hết được những thắng cảnh đẹp của vùng này. Nhưng sự an toàn của các thành viên trong đoàn là quan trọng nhất và ban tổ chức chỉ có một quyết định duy nhất là không đi mặc dù nhận được sự phản đổi của một số thanh niên trong đoàn. Chúng tôi hiểu đó là một quyết định đúng đắn.

           Những cơn mưa bắt đầu nặng hạt và ngày thứ hai của chúng tôi tại Vân Đồn dường như kéo dài hơn. Thỉnh thoảng có tiếng kính vỡ rơi loảng xoảng, không quá bàng hoàng và sợ hãi như khi ở nhà, có lẽ vì không phải kính nhà mình và một phần vì nhân viên khách sạn rất nhiệt tình thay kính mới kịp thời. Mưa không làm lũ trẻ thấy buồn, có chăng thì chỉ vì chúng không được ra biển, chúng lại tụ tập lại với nhau và chơi bài thưởng phạt như người lớn. Những người lớn thì nằm trong phòng và buôn chuyện, còn các thanh niên thì í ới gọi nhau lôi đàn ra hát. Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường như chưa từng có bão. Chỉ có ban tổ chức chúng tôi lại vò đầu bứt tai để lên kế hoạch khác cho chuyến đi.

           Nếu không có bão, chắc hẳn chúng tôi đã có một ngày thật vui vẻ ở Quan Lạn, một đêm đốt lửa trại tưng bừng với ngô nướng, khoai nướng và đồ Hải sản nướng đã chuẩn bị khi còn ở nhà. Cuối cùng thì Ngô nướng, khoai nướng chúng tôi đem luộc và đánh chén với nhau. Ít ra thì Bão cũng mang lại cho chúng tôi những kỷ niệm thật khó quên

          Chúng tôi quyết định đi hát karaoke thay vì đốt lửa trại.

 Đã chuẩn bị trước cho chuyến trở lại sớm về Hà Nội vào sáng ngày thứ 3 nhưng thật bất ngờ, có vẻ như ông trời cũng không phụ lòng người. Trời không mưa mà quang đãng lạ kỳ như chưa từng trải qua một trận mưa lớn đêm qua. Không ai bảo ai nhưng dường như ai nấy cũng đều một suy nghĩ rằng, phải đi Quan Lạn, đã đến đây rồi thì nên đi, chẳng mấy khi đến mà chắc gì có điều kiện để trở lại nơi này. Và chúng tôi đã quyết định đi thật.

Chúng tôi bắt chuyến tàu sớm đi Quan Lạn và mất 2h đồng hồ chúng tôi mới tới nơi. Quan Lạn thật hoang sơ như những gì chúng tôi tưởng tượng. Nơi đây có cả thảy 300 hộ dân sinh sống và chưa có điện. Cứ khoảng 8h tối là cả đảo đã chìm trong màn đêm. Đón chúng tôi trên bến là những chiếc xe đặc trưng của vùng đảo. Người dân ở đây gọi nó là xe Túc Túc.

Thật nhanh chóng chúng tôi đã có mặt tại đình Quan Lạn. Đình Quan Lạn nằm trên xã đảo Quan Lạn, thuộc huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Đình được xây dựng ở thương cảng cổ Cái Làng dưới thời hậu Lê (khoảng thế kỷ XVII). Xưa kia, đình được làm bằng gỗ mần lái – loài cây sinh trưởng rất nhiều trên núi đá và trong áng đá ở trên đảo Ba Mùn – cách thương cảng Cái Làng không xa. Vào thời nhà Nguyễn, ngôi đình ở thương cảng cổ Cái Làng được di chuyển về Quan Lạn và đặt tên mới là đình Quan Lạn. Đình thờ tượng vua Lý Anh Tông đã có công thành lập ra trang, trấn Vân Đồn vào năm 1149 để mở mang buôn bán trên mảnh đất này. Đình thờ các vị tiên công đã có công lập ra xã Quan Lạn và tướng Trần Khánh Dư – người trấn ải Vân Đồn đã tổ chức trận chiến trên dòng sông Mang – Vân Đồn tiêu diệt 500 chiếc thuyền lương, 70 vạn hộc lương, diệt tướng giặc Nguyên là Trương Văn Hổ. Đây là ngôi đình cổ Quan Lạn- ngôi đình duy nhất ở Việt Nam thờ tượng.

Sau 30 phút dừng chân tại đình Quan Lạn, đoàn chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Điểm đến kế tiếp và cũng là cuối cùng của chúng tôi trên đảo Quan Lạn là bãi biển Minh Châu. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một bãi biển chạy dài có độ dốc thoải, được bao bọc bởi các đồi phi lao và bãi cát vàng mịn đến ghen tị. Rất nhiều người trong đoàn đã lấy cát ở đây đem về để làm kỷ niệm.

Chúng tôi chỉ có 1h đồng hồ để nghỉ chân tại biển Minh Châu trước khi quay về tàu để trở lại Vân Đồn. Cái nắng cháy da cháy thịt và cảm giác bỏng rát của đôi chân trần khi đi trên cát không đủ níu kéo chúng tôi ở lại trên bờ. Tất cả mọi người đều nhanh chóng thay đồ chạy ùa xuống biển. Những ai không tắm cũng phải mon men xuống để chiêm ngưỡng làn nước trong xanh và những đợt sóng ồ ạt dạt về. Những đứa trẻ thích thú khi xây những lâu đài cát và rồi đồng thanh hét lên mỗi khi sóng làm sụp tan tất cả.

Thấm mệt, cả đoàn ngồi nghỉ và ngắm nhìn cảnh biển. Nếu có nhiều thời gian, chúng tôi sẽ đi ra các chợ Hải Sản để mua đồ và quà mang về biếu người thân. Nhưng thật tiếc, chúng tôi phải nhanh chóng lên những chiếc xe Túc Túc và trở về tàu đang chờ trên bến. Chúng tôi rời Quan Lạn vào đúng 1h trưa. Ngồi trên xe, ngoái nhìn những con sóng, những vạt nắng vẫn cháy đến thấu da thịt, những ngôi nhà nhỏ đang khuất dần xa, những con đường dài quanh co, cả đoàn chúng tôi đều cảm thấy rạo rực một nỗi nhớ về một hòn đảo nhỏ.

Chúng tôi trở lại và dùng cơm trên tàu.

Chuẩn bị hành lý để ra về, kết thúc chuyến du lịch đầy ắp những kỷ niệm. Một điều đáng tiếc nhất là chúng tôi không thể chọn cho mình những món quà từ vùng đất này mang về cho người thân vì ở đây dịch vụ chưa nhiều, những bè cá chưa kịp trở lại sau trận trú bão hôm trước. Chúng tôi đã rủ nhau chụp những tấm hình kỷ niệm để sau này khi trở về, mở ảnh ra xem, mãi mãi chúng tôi sẽ không quên được những khoảnh khắc tuyệt vời ấy.

Kết thúc một chuyến đi.

 

 

 

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *